Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67/2021/TT-BTC ngày 5/8/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác
. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/9/2021.
NỘI DUNG CHÍNH CỦA THÔNG TƯ
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
2. Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm.
Điều 2. Người nộp phí
Người nộp phí theo quy định tại Thông tư này, gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế.
b) Tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan, tổ chức được chỉ định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, cơ sở kiểm nghiệm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy và kiểm tra nhà nước về thực phẩm.
Điều 3. Tổ chức thu phí
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm), Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các tổ chức khác (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) được giao thực hiện cung cấp các dịch vụ thu phí tại Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Mức thu phí
Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Kê khai, nộp phí
1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Điều 6. Quản lý và sử dụng phí
1. Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) được để lại 70% số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 9 năm 2021.
2. Thông tư này bãi bỏ:
a) Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tư số 117/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC và Thông tư số 75/2020/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC.
b) Điểm 2 phần I Biểu phí trong công tác vệ sinh thực phẩm quy định tại Điều 5 Thông tư số 44/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y, Thông tư số 286/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.