TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6344:2007 YÊU CẦU KỸ THUẬT GĂNG CAO SU PHẪU THUẬT VÔ KHUẨN SỬ DỤNG MỘT LẦN
Single-use sterile rubber surgical gloves - Specification Tương thích với ISO 10282:2002
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 6344:2007
ISO 10282:2002
GĂNG CAO SU PHẪU THUẬT VÔ KHUẨN SỬ DỤNG MỘT LẦN - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Single-use sterile rubber surgical gloves - Specification
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật cho găng tay cao su vô khuẩn bao gói kín để sử dụng trong quá trình phẫu thuật nhằm bảo vệ tránh lây truyền bệnh giữa bệnh nhân và người sử dụng găng phẫu thuật. Tiêu chuẩn này áp dụng cho găng tay sử dụng một lần rồi thải bỏ, không áp dụng cho găng tay dùng để khám bệnh hoặc găng thông dụng. Tiêu chuẩn này bao gồm găng có bề mặt trơn nhẵn và găng có bề mặt nhám trên một phần hoặc toàn bộ găng.
Tiêu chuẩn này quy định tính năng và độ an toàn cho găng cao su phẫu thuật. Các vấn đề về sử dụng an toàn thích hợp của găng phẫu thuật và qui trình khử khuẩn với các quy trình xử lý, bao gói và bảo quản tiếp theo đều không thuộc phạm vi của tiêu chuẩn này.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi (nếu có).
TCVN 1592 : 2007 (ISO 23529 : 2004) Cao su - Qui trình chung để chuẩn bị và điều hòa mẫu thử cho phương pháp thử vật lý.
TCVN 2229 : 2007 (ISO 188 : 1998) Cao su lưu hóa hoặc nhiệt dẻo - Phép thử già hóa nhanh và độ chịu nhiệt.
TCVN 4509 (ISO 37) Cao su lưu hóa hoặc nhiệt dẻo - Xác định các tính chất giãn dài khi kéo.
TCVN 6916:2001 (ISO 15223 : 2000) Thiết bị y tế - Ký hiệu sử dụng trên nhãn và ý nghĩa ký hiệu.
TCVN 7391 (ISO 10993) (tất cả các phần) Đánh giá sinh học đối với trang thiết bị y tế.
ISO 2859-1:1999 Sampling procedures for inspection by attributes - Part 1: Sampling schemes indexed by acceptance quality limit (AQL) for lot-by-lot inspection [Qui trình lấy mẫu để kiểm tra thuộc tính - Phần 1: Kế hoạch lấy mẫu biểu thị bằng giới hạn chất lượng chấp nhận (AQL) để kiểm tra từng lô].
3. Phân loại
3.1. Quy định chung
Găng tay được phân loại theo loại vật liệu, thiết kế và dạng hoàn thiện như trong 3.2 đến 3.4:
3.2. Theo loại vật liệu
Được chia thành hai loại:
- loại 1: găng tay được làm chủ yếu từ latex cao su thiên nhiên;
- loại 2: găng tay được làm chủ yếu từ latex cao su nitril, latex cao su polycloropren, dung dịch cao su styren-butađien, nhũ tương cao su styren-butađien hoặc dung dịch nhựa nhiệt dẻo đàn hồi.
3.3. Theo thiết kế
Được chia thành hai kiểu thiết kế:
a) găng tay có các ngón thẳng;
b) găng tay có các ngón cong về hướng lòng bàn tay.
Găng phải phù hợp với hình dáng bàn tay người sử dụng, có ngón cái theo hướng phù hợp với lòng bàn tay, hướng về bề mặt của ngón trỏ hơn là nằm phẳng. Các ngón tay và ngón cái có thể thẳng hoặc cong theo phương phù hợp với lòng bàn tay
3.4. Theo dạng hoàn thiện
Được chia thành bốn dạng hoàn thiện:
a) bề mặt nhám trên một phần hoặc toàn bộ găng;
b) bề mặt trơn nhẵn;
c) bề mặt có bột;
d) bề mặt không có bột.
CHÚ THÍCH 1: Thông thường để thuận tiện cho việc đeo găng, găng tay có phủ bột là găng được bổ sung bột như một công đoạn của quá trình sản xuất. Găng tay không được phủ bột là găng được sản xuất mà không được bổ sung vật liệu bột để thuận tiện cho việc đeo găng. Không có bột cũng được xem như “không bột” hoặc “không phủ bột” hoặc những từ khác có hàm ý như vậy.
CHÚ THÍCH 2: Kết thúc cổ tay của găng có thể bị cắt hoặc có dạng vành cuộn