Điều Kiện Đảm Bảo Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Cơ Sở Chế Biến Thuỷ Sản Ăn Liền

19/04/2024    45    4.65/5 trong 5 lượt 
Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến thủy sản ăn liền được quy định tại QCVN.02-04:2009/BNNPTNT do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư 47/2009/TTBNNPTNT ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền

1.1. Khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền phải được bố trí cách biệt với khu sơ chế nguyên liệu và ch được dùng riêng cho mục đích này.

1.2. Khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền phải được thiết kế đảm bảo luồng không khí chỉ lưu thông theo một chiều từ khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền sang các khu vực khác; đảm bảo thông thoáng, dễ thoát nhiệt, thoát ẩm.

1.3. Không được để bất kỳ rãnh thoát nước hở từ khu vực khác chảy qua khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền.

1.4. Quá trình xử lý thuỷ sản chín ăn liền và thuỷ sản sống ăn liền được phép thực hiện trong cùng khu vực nếu chúng có cùng ngưỡng vi sinh.

1.5. Bán thành phẩm chỉ được phép vận chuyển từ khu sơ chế hoặc khu xử lý nhiệt sang khu xử lý thuỷ sản ăn liền bằng cách đưa qua ô cửa.

1.6. Công nhân ra vào khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền chỉ được phép đi theo một cửa nhất định và có sự kiểm soát vệ sinh tại cửa này.

2. Thiết bị và dụng cụ

 Thiết bị và dụng cụ dùng trong xử lý, chế biến thuỷ sản ăn liền (kể cả thùng chứa, dao, thớt và các thiết bị phụ trợ) phải được dùng riêng cho mục đích này và được bảo quản ở trong khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền.

2.2. Tại cửa ra vào và bên trong khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền, ngoài phương tiện rửa và làm khô tay, phải trang bị đủ phương tiện khử trùng tay công nhân.

2.3. Phải trang bị phương tiện làm sạch bụi bám trên mũ, quần áo bảo hộ lao động của công nhân trước khi vào khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền.

3. Yêu cầu xử lý sản phẩm

3.1. Xử lý nhiệt

a. Phải sử dụng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế. Hơi nước, không khí và dầu ăn phải đảm bảo ATVS và không là nguồn lây nhiễm cho sản phẩm.

b. Cơ sở phải lập kế hoạch và thực hiện giám sát thời gian và nhiệt độ xử lý nhiệt theo quy định.

c. Tại khu vực xử lý nhiệt phải trang bị các loại dụng cụ đo nhiệt độ bán thành phẩm và thời gian xử lý nhiệt. Dụng cụ đo phải chính xác, có thang chia độ ở khoảng cách thích hợp, dễ theo dõi. Dụng cụ đo phải được định kỳ kiểm định và hiệu chỉnh độ chính xác.

3.2. Làm nguội

a. Ngay sau khi xử lý nhiệt, bán thành phẩm phải được làm nguội càng nhanh càng tốt. Sử dụng nước sạch theo quy định tại điều 1.3.11., nước đá theo quy định tại điều 7., không khí theo quy định tại điều 9. của QCVN 02-01:2009/BNNPTNT để làm nguội tùy theo loại bán thành phẩm.

b. Sau khi làm nguội, bán thành phẩm phải được đem xử lý ngay, hoặc phải được bảo quản sao cho nhiệt độ của bán thành phẩm được duy trì từ -1 oC đến + 4oC.

3.3. Xử lý bán thành phẩm đã qua gia nhiệt

Bán thành phẩm đã qua gia nhiệt phải được xử lý càng nhanh càng tốt. Trong quá trình xử lý, không được để chất thành đống lớn trên mặt bàn chế biến.

4. Cấp đông

Thuỷ sản ăn liền (kể cả sản phẩm chín và tươi), nếu chưa bao gói kín không được cấp đông đồng thời với sản phẩm khác không cùng ngưỡng vi sinh vật trong cùng thiết bị cấp đông.

5. Bao gói, ghi nhãn và bảo quản

5.1. Thuỷ sản ăn liền phải được bao gói tại khu vực chỉ dành riêng cho mục đích này. Thuỷ sản ăn liền đã bao gói kín được đóng vào thùng cac ton cùng khu vực bao gói với các sản phẩm khác.

5.2. Thuỷ sản ăn liền không được bảo quản trong điều kiện có nguy cơ bị nhiễm bẩn từ các sản phẩm khác.

5.3. Thuỷ sản tươi sống ăn liền đông lạnh có mối nguy ký sinh trùng gắn liền với loài phải được bảo quản ít nhất 7 ngày, khi nhiệt độ ở tâm sản phẩm đạt - 20oC; hoặc 15 giờ khi nhiệt độ ở tâm sản phẩm đạt - 35oC trước khi đem bán cho người tiêu dùng.

5.4. Trên nhãn bao bì đựng thuỷ sản ăn liền, ngoài việc in đầy đủ các nội dung theo quy định, cần phải có thêm dòng chữ “sản phẩm ăn liền”, hoặc các câu tương tự như “không cần nấu chín trước khi ăn”, hoặc “ăn ngay không cần nấu”..

6. Yêu cầu vệ sinh

6.1. Vệ sinh và khử trùng nhà xưởng, thiết bị và dụng cụ

a. Bề mặt thiết bị dùng cho xử lý, chế biến thuỷ sản ăn liền, ngoài việc thực hiện chế độ vệ sinh và khử trùng với tần suất như đối với các khu vực chế biến khác, còn phải được làm vệ sinh và khử trùng bổ sung giữa ca sản xuất với tần suất 1 giờ 1 lần.

b. Đèn tia cực tím, nước nóng, hoá chất... dùng để khử trùng nhà xưởng, thiết bị và dụng cụ ở khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền phải được sử dụng theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho công nhân và an toàn vệ sinh cho sản phẩm chế biến.

6.2. Vệ sinh công nhân

a. Công nhân làm việc trong khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền hoặc những người đi vào khu vực này phải mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đội mũ che kín tóc, mang khẩu trang và đeo găng tay.

b.Quần áo bảo hộ, ủng của công nhân khu xử lý thuỷ sản ăn liền chỉ được dùng riêng cho khu vực này, và phải có màu khác biệt với công nhân các khu vực chế biến khác.

c. Phòng thay bảo hộ lao động của công nhân khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền phải được bố trí riêng. Phòng cất giữ quần áo cuả công nhân mặc từ bên ngoài thay ra phải cách biệt với phòng mặc quần áo bảo hộ lao động vào khu xử lý thuỷ sản ăn liền.

d. Trước khi vào bên trong khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền, mọi người phải rửa và khử trùng tay, làm sạch bụi và các vật lạ bám trên mũ, áo bảo hộ. Ngoài ra, công nhân trực tiếp xử lý thuỷ sản ăn liền phải rửa và khử trùng tay 1giờ một lần trong giờ làm việc.

đ. Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với thuỷ sản ăn liền phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần; phải có hồ sơ khám sức khoẻ của cơ quan y tế cho thấy công nhân đủ điều kiện sức khoẻ làm việc ở khu vực này.

e. Những người bị thương ở tay, vết thương bị nhiễm trùng; hoặc những người bị bệnh truyền nhiễm tuyệt đối không được làm việc tại khu vực xử lý thuỷ sản ăn liền. 

 

Để được hỗ trợ thêm, xin vui lòng liên hệ
0933.643.111 (Ms.Bích Phượng)